Ba cách chia di sản thừa kế theo quy định pháp luật Việt Nam

Ba cách chia di sản thừa kế theo quy định pháp luật dân sự Việt Nam

Ngày đăng: 24-08-2015

5,150 lượt xem

Ba cách chia di sản thừa kế theo quy định pháp luật dân sự Việt Nam

Ba cách chia di sản thừa kế theo quy định pháp luật dân sự Việt Nam

1. Khái niệm thừa kế theo quy định pháp luật

Thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định.

2. Những trường hợp thừa kế theo pháp luật :

Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong những trường hợp sau đây:
a. Không có di chúc;
b. Di chúc không hợp pháp;
c. Những người thừa kế theo di chúc đều chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn vào thời điểm mở thừa kế;
d. Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối quyền nhận di sản.
e. Phần di sản không được định đoạt trong di chúc;
f. Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật;
g. Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối quyền nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn vào thời điểm mở thừa kế.

Những người thừa kế có quyền thực hiện thủ tục theo quy định của pháp luật để chia di sản thừa kế. Có ba cách chia di sản thừa kế theo quy định pháp luật dân sự Việt Nam như sau:

- Cách 1: Họp mặt những người thừa kế để thỏa thuận các nội dung như: Cử người quản lý di sản, người phân chia di sản, xác định quyền, nghĩa vụ của những người này, nếu người để lại di sản không chỉ định trong di chúc; Cách thức phân chia di sản thực hiện theo Điều 681 Bộ luật Dân sự 2005. Các người thừa kế có thể cùng nhau đến tổ chức công chứng trên địa bàn nơi có bất động sản để yêu cầu chia di sản thừa kế. Tuy nhiên, để thực hiện theo cách này thì phải có sự đồng thuận của tất cả các người thừa kế.

- Cách 2: Khởi kiện yêu cầu tòa án chia di sản thừa kế. Khi khởi kiện, cần lưu ý đến thời hiệu khởi kiện về thừa kế.
Việc áp dụng các quy định của pháp luật về thời hiệu khởi kiện liên quan đến thừa kế được thực hiện theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/8/2004 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Theo đó, đối với trường hợp thừa kế mở trước ngày 1/7/1996, thì thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế được thực hiện theo quy định tại Điều 36 của Pháp lệnh Thừa kế năm 1990 và hướng dẫn tại Nghị quyết 02/HĐTP ngày 19/10/1990 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao "hướng dẫn áp dụng một số quy định của Pháp lệnh Thừa kế". Cụ thể: “Trong thời hạn mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế, người thừa kế có quyền khởi kiện để yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác” (theo Điều 36 Pháp lệnh số 44-LCT/HĐNN8 ngày 30/8/1990 của Hội đồng nhà nước về thừa kế).

- Cách 3: Khởi kiện yêu cầu chia tài sản chung
Theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/8/2004, trường hợp trong thời hạn mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về quyền thừa kế và có văn bản cùng xác nhận là đồng thừa kế hoặc sau khi kết thúc thời hạn mười năm mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về hàng thừa kế và đều thừa nhận di sản do người chết để lại chưa chia thì di sản đó chuyển thành tài sản chung của các thừa kế. Khi có tranh chấp và yêu cầu Toà án giải quyết thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế, mà áp dụng các quy định của pháp luật về chia tài sản chung để giải quyết và cần phân biệt như sau:
+ Trường hợp có di chúc mà các đồng thừa kế không có tranh chấp và thoả thuận việc chia tài sản sẽ được thực hiện theo di chúc khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo di chúc.
+ Trường hợp không có di chúc mà các đồng thừa kế thảo thuận về phần mỗi người được hưởng khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo thoả thuận của họ.
+ Trường hợp không có di chúc và các đồng thừa kế không có thoả thuận về phần mỗi người được hưởng khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo quy định của pháp luật về chia tài sản chung.

Trên đây là quy định của pháp luật dân sự Việt Nam hiện hành có liên quan đến ba cách chia di sản thừa kế.

Lawyervn.net
 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha reload